Lưu trữ Blog

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Rối loạn phân liệt cảm xúc

Tổng quan

Rối loạn phân liệt cảm xúc là một dạng rối loạn loạn thần mà người bệnh có các triệu chứng của tâm thần phân liệt như ảo giác hoặc hoang tưởng và cả triệu chứng của rối loạn cảm xúc như trầm cảm hoặc hưng cảm. Vì như thế cho nên nhiều bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm lần đầu thành rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt.

Rối loạn phân liệt cảm xúc ảnh hưởng khoảng 0.3% Dân số Mỹ. Không có sự khác biệt giới với rối loạn này, tỷ lệ mắc bệnh giữa nam giới và nữ giới tương đương nhau nhưng nam giới thường bộc phát bệnh ở độ tuổi trẻ hơn.

Những giai đoạn của rối loạn phân liệt cảm xúc có thể rất khác với mỗi người vì thế nên bệnh vẫn chưa được hiểu hoặc định nghĩa rõ ràng như những dạng rối loạn tâm thần khác. Nếu không được chữa trị thì rối loạn phân liệt cảm xúc có thể dẫn đến các vấn đề gây ảnh hưởng tới hoạt động hoặc khả năng làm việc ở trường, ở công ty hoặc các tình huống xã hội. Những người mắc dạng rối loạn này có thể cần sự giúp đỡ với các hoạt động thường ngày. Các phương pháp chữa trị có thể giúp quản lý các triệu chứng và cải thiện cuộc sống.

Martin Waldbauer.Jpg

By Martin Waldbauer

Triệu chứng

Đặc điểm chính của rối loạn phân liệt cảm xúc là giai đoạn bộc phát bệnh không gián đoạn với những triệu chứng của Rối loạn trầm cảm hoặc Rối loạn lưỡng cực, hay cả hai, đồng xuất hiện với những triệu chứng của rối loạn tâm thần phân liệt. Một số các triệu chứng bệnh có thể bao gồm:

– Ảo giác, nhìn thấy hay nghe thấy những thứ không có thật.

– Hoang tưởng, những niềm tin sai lệch căn cố dù cho có những bằng chứng phản bác lại.

– Rối loạn tư duy, bệnh nhân có thể đổi chủ đề rất nhanh hoặc đưa ra những câu trả lời không hề liên quan tới câu hỏi.

– Trầm cảm: trải nghiệm cảm giác buồn bã, trống rỗng, vô dụng hoặc những triệu chứng trầm cảm khác.

– Hưng cảm: cảm giác hưng phấn tột cùng, suy nghĩ lướt qua khá nhanh, có những hành vi nguy hiểm không cân nhắc hoặc các triệu chứng khác của hưng cảm.

Để đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán của rối loạn phân liệt cảm xúc, các đặc điểm chính của bệnh phải xuất hiện không gián đoạn trong suốt giai đoạn bệnh lý (period of illness), được tính từ lúc bệnh bộc phát cho đến khi bệnh nhân hoàn toàn hồi phục trong một khoảng thời gian nhất định và không còn biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. Với một số người, giai đoạn này có thể kéo dài suốt vài năm hoặc vài thập kỷ.

Giai đoạn bệnh lý với những triệu chứng của rối loạn cảm xúc đồng xuất hiện với tâm thần phân liệt phải thỏa mãn đầy đủ tiêu chuẩn chẩn đoán của Rối loạn trầm cảm hoặc Rối loạn lưỡng cực với Tâm thần phân liệt. Các triệu chứng Rối loạn trầm cảm phải kéo dài ít nhất hai tuần, Rối loạn lưỡng cực kéo dài ít nhất một tuần và với Tâm thần phân liệt thì ít nhất một tháng.

Các triệu chứng của rối loạn phân liệt cảm xúc có thể xảy ra theo nhiều chiều hướng khác nhau. Một trong những chiều hướng điển hình là bệnh nhân có triệu chứng ảo thanh hoặc hoang tưởng kéo dài 2 tháng và sau đó là giai đoạn trầm cảm. Những triệu chứng loạn thần và giai đoạn trầm cảm xuất hiện trong khoảng 3 tháng . Sau đó bệnh nhân hồi phục hoàn toàn khỏi giai đoạn trầm cảm, nhưng những triệu chứng loạn thần vẫn tiếp tục kéo dài trong một tháng sau đó trước khi biến mất. Tổng thời gian bệnh lý kéo dài khoảng 6 tháng với duy nhất triệu chứng loạn thần trong 2 tháng đầu, sau đó triệu chứng loạn thần và trầm cảm đồng xuất hiện trong 3 tháng tiếp theo và ở tháng cuối cùng thì chỉ còn mỗi triệu chứng loạn thần.

Những triệu chứng này không phải là hệ quả từ việc dùng thuốc như cocaine, hoặc những tình trạng y tế khác như u não.

Rối loạn phân liệt cảm xúc có thể chia làm hai loại tùy theo những triệu chứng cảm xúc của bệnh:

– Loại trầm cảm: chỉ có những triệu chứng của rối loạn trầm cảm.

– Loại lưỡng cực: chỉ có những triệu chứng hưng cảm, có thể có hoặc không có giai đoạn trầm cảm.

Rối loạn phân liệt cảm xúc gây ảnh hưởng tới những chức năng bình thường, hạn chế những mối quan hệ xã hội và khiến người bệnh khó tự chăm sóc bản thân. Đồng thời, người bệnh còn có nguy cơ lạm dụng chất. Tuy các bằng chứng lâm sàng còn hạn chế nhưng Rối loạn nhân cách phân liệt, Rối loạn nhân cách ranh giới hay Rối loạn nhân cách hoang tưởng có thể xuất hiện trước rối loạn phân liệt cảm xúc.

Ví dụ lâm sàng

Anh Nehru là một người đàn ông 32 tuổi, di cư từ Ấn Độ sang Mỹ khi anh mới 13 tuổi. Anh trai anh đã đưa anh đến phòng cấp cứu ở Atlanta, bang Georgia sau khi hàng xóm phàn nàn rằng anh đã đứng giữa đường, quấy rối những người khác về niềm tin tôn giáo. Khi gặp bác sĩ tâm thần, anh cứ lặp đi lặp lại "Tôi là Vishnu. Tôi là Krishna" (những vị thần trong tôn giáo Hindu ở Ấn Độ)

Nehru đã sống cùng anh trai và chị dâu mình suốt 7 tháng qua, đồng thời cũng đi khám ở phòng khám ngoài. Trong 4 tuần gần đây, hành vi của anh càng ngày càng tệ và gây phiền nhiễu nhiều hơn. Anh đánh thức anh trai mình bất kể giờ nào giữa đêm chỉ để bàn luận những vấn đề về tôn giáo. Anh thường tự trả lời với những âm thanh hay giọng nói mà chỉ anh mới có thể nghe được. Anh không tắm rửa cũng không thay đổi quần áo

Nehru thừa nhận rằng bắt đầu khoảng 5 năm về trước anh bắt đầu nghe thấy những giọng nói xuyên suốt cả ngày. Có rất nhiều giọng nói, thường bàn luận về hành vi và thảo luận về anh như thể người thứ ba, nó thường bắt đầu rất nhẹ nhàng ("Nhìn cậu ta kìa, cậu ta chuẩn bị ăn") đến những lời nói mang tính sỉ nhục ("Thật đúng là một tên ngốc. Cậu ta chẳng biết gì cả.")

Giữa những giai đoạn bệnh lý, theo lời bác sĩ ở phòng khám ngoài và anh trai thì Nehru là một người im lặng, có phần nào cách ly với mọi người. Nehru bảo, khoảng 6 tháng gần đây với cường độ tăng dần, các giọng nói bắt đầu bảo với Nehru anh là tân Messiah, Jesus, Vishnu, và Krishna và anh nên xây dựng tôn giáo riêng của mình. Anh bắt đầu trải nghiệm cơn sóng năng lượng, "để tôi có thể truyền bá chân lý của mình" và ngủ rất ít.

Trong lúc được phỏng vấn, Nehru đang trong cơn hưng cảm, nói rất nhanh và khó có thể theo kịp lời nói của anh. Anh đi dọc lên xuống khu vực bệnh viện và khi gặp bác sĩ, anh sẽ tóm lấy tay người đó, kề sát khuôn mặt mình và bắt đầu nói với tốc độ rất nhanh và nhiệt tình về tôn giáo của mình. Giữa lúc truyền bá, đôi lúc anh sẽ bất chợt khen áo và cà vạt của bác sĩ hợp nhau như thế nào. Khi bị giới hạn hành động, anh trở nên ồn ào và giận dữ. Đồng thời anh cảm thấy bệnh viện là một phần âm mưu nhằm hạn chế anh truyền bá tôn giáo của mình.

Thảo luận

Anh Nehru có những triệu chứng ảo thanh kéo dài và xâm nhập đến mức anh không thể nào làm việc được. Những ảo giác này có vẻ liên tục và bắt đầu từ khi bệnh anh bộc phát 5 năm về trước. Thêm vào đó, anh cũng có các triệu chứng phù hợp với tiêu chuẩn của giai đoạn hưng cảm: cảm thấy hưng phấn, vĩ cuồng và khó chịu, cảm thấy áp lực cần phải nói và năng lượng dâng cao.

Nếu các bác sĩ không biết được rằng giữa các giai đoạn hưng cảm anh vẫn tiếp tục nghe thấy các giọng nói thì họ sẽ không ngần ngại mà chẩn đoán anh mắc Rối loạn lưỡng cực loại I. Tuy nhiên, chẩn đoán Rối loạn lưỡng cực loại I loại trừ trường hợp bệnh nhân có hoang tưởng hay ảo giác kéo dài ít nhất 2 tuần với sự vắng mặt của các triệu chứng rối loạn cảm xúc nổi bật. Vì thế, tình trạng anh Nehru nghe thấy những giọng nói khi không ở trong giai đoạn hưng cảm loại trừ chẩn đoán Rối loạn lưỡng cực loại I.

Các bác sĩ chú ý thấy giữa những giai đoạn hưng cảm, Nehru có những triệu chứng nổi bật của tâm thần phân liệt như hoang tưởng và ảo giác. Nên họ phải cân nhắc giữa chẩn đoán Tâm thần phân liệt với Rối loạn lưỡng cực chồng lên không xác định và Rối loạn phân liệt cảm xúc. Chìa khóa xác định tâm thần phân liệt là tổng thời gian của các giai đoạn hưng cảm phải ngắn so với tổng thời gian bộc phát bệnh lý. Tuy nhiên, các bác sĩ không thể biết rõ được giai đoạn hưng cảm của anh Nehru kéo dài bao lâu nhưng có thể tổng thời gian các giai đoạn này không quá 6 tháng trong suốt 5 năm anh phát bệnh. Vậy nó có được coi là ngắn hay không? Bởi vì DSM-IV không cung cấp hướng dẫn chi tiết nên các bác sĩ đặt nặng các triệu chứng hưng cảm dường như xuất hiện với từng giai đoạn loạn thần tăng dần. Vì thế cho nên các bác sĩ chẩn đoán Nehru mắc rối loạn phân liệt cảm xúc.

Nguyên nhân

Vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn phân liệt cảm xúc là gì. Sự kết hợp của nhiều nguyên nhân có thể góp phần phát triển bệnh:

– Di truyền: rối loạn phân liệt cảm xúc thường xuất hiện trong gia đình có người thân mắc cùng bệnh, hoặc tâm thần phân liệt hay rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nếu bạn có người thân mắc bệnh thì bạn sẽ chắc chắn mắc bệnh, mà nó có nghĩa bạn có khả năng mắc bệnh cao hơn những người khác.

– Cấu tạo não bộ và các chất hóa học: Cấu tạo não bộ và các chất hóa học ở những người mắc rối loạn phân liệt cảm xúc có thể khác theo nhiều cách mà khoa học mới bắt đầu tìm hiểu. Dung tích não ở một số phần, ví dụ như chất xám của người mắc bệnh ít hơn so với người bình thường. Tỷ lệ giảm bớt này tương đồng với người mắc tâm thần phân liệt, nhưng không thấy ở người mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Tuy nhiên vẫn chưa biết được chiều hướng mối quan hệ nguyên nhân-hậu quả này. Là bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc dẫn đến sự thay đổi cấu trúc não bộ hay là sự thay đổi cấu trúc não bộ dẫn đến bệnh?

– Stress: Những sự kiện gây stress như người thân qua đời, hôn nhân kết thúc hay mất việc có thể kích thích các triệu chứng hoặc làm bộc phát bệnh.

– Lạm dụng chất: Những loại thuốc gây ảnh hưởng đến tâm trí như LSD được cho là có liên quan làm bệnh phát triển.

dragan-todorovic

By Dragan Todorović

Chữa trị

Phương pháp chữa trị rối loạn phân liệt cảm xúc tốt nhất là kết hợp dùng thuốc lẫn chữa trị tâm lý, với các kỹ năng quản lý cuộc sống.

– Thuốc: Thông thường, các bác sĩ sẽ kê các loại thuốc làm giảm triệu chứng loạn thần, ổn định khí sắc và trị liệu trầm cảm. Những loại thuốc này có thể bao gồm:

  • Thuốc chống loạn thần (antipsychotic): Loại thuốc duy nhất được cơ quan quản lý thức ăn và thuốc ở Mỹ (FDA) cho phép dùng đặc biệt chữa trị rối loạn phân liệt cảm xúc là thuốc chống loạn thần paliperidone (Invega). Tuy nhiên các bác sĩ cũng có thể kê các loại thuốc chống loạn thần khác để giúp quản lý các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng và ảo giác.
  • Thuốc ổn định khí sắc (mood-stabilizing): Khi rối loạn phân liệt cảm xúc là loại lưỡng cực thì thuốc ổn định khí sắc có thể giúp ổn định các cơn hưng cảm và trầm cảm.
  • Thuốc chống trầm cảm: Nếu là loại trầm cảm thì các thuốc chống trầm cảm có thể giúp quản lý các cảm xúc buồn bã, tuyệt vọng hoặc gặp khó khăn với các giấc ngủ và tập trung.

– Chữa trị tâm lý (psychotherapy):

  • Cá nhân: Chữa trị tâm lý có thể giúp bình thường hóa các xu hướng và giảm thiểu các triệu chứng bệnh. Xây dựng mối quan hệ tin tưởng với người chữa trị có thể giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn tình trạng của họ và học cách quản lý triệu chứng. Những buổi học hiệu quả tập trung vào việc lập ra những kế hoạch, giải quyết vấn đề và các mối quan hệ.
  • Chữa trị theo nhóm hoặc gia đình: Chữa trị càng có hiệu quả hơn nếu bệnh nhân có thể thảo luận những vấn đề ngoài đời thực mà họ gặp phải với người khác. Những nhóm ủng hộ có thể giúp làm giảm sự cô lập xã hội mà người bệnh gặp phải.

– Huấn luyện những kỹ năng sống: Tập trung vào việc cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội và giúp bệnh nhân có thể tham gia vào các hoạt động thường ngày. Những kỹ năng này đặc trưng trong từng hoàn cảnh khác nhau như ở nhà, hoặc công ty.

– Nhập viện: Trong giai đoạn khủng hoảng hoặc với những triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân cần nhập viện để có thể đảm bảo an toàn, ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ và được chăm sóc cá nhân.

– Phương pháp sốc điện (ETC): Với người trưởng thành mắc rối loạn phân liệt cảm xúc không phản ứng với thuốc hay chữa trị tâm lý thì có thể cân nhắc phương pháp sốc điện.

Xin lưu ý rằng những thông tin bên trên chỉ cung cấp thông tin về bệnh và không nên được dùng để tự chẩn đoán. Nếu bạn lo lắng mình hoạc người thân có thể mắc bệnh, xin hãy đi khám bác sĩ để nhận được chẩn đoán chính xác cũng như sự can thiệp phù hợp nhất do tình trạng và triệu chứng khác nhau với từng người.

Dịch và chỉnh sửa: Hải Đường Tĩnh Nguyệt

Tham khảo:

http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/schizoaffective-disorder/home/ovc-20258872

http://www.nami.org/Learn-More/Mental-Health-Conditions/Schizoaffective-Disorder

APA, DSM-IV, page 319.

DSM-IV, Case Book by Spitzer et all, 1994.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5029760/

nguồn chính: https://beautifulmindvn.Com/2017/02/09/roi-loan-phan-liet-cam-xuc/

0 on: "Rối loạn phân liệt cảm xúc"